Ngắm 'thần mộc' sa mu ngàn năm tuổi trong rừng nguyên sinh

Thanh Hóa
Đăng bởi: Hồ Văn Thắng

Nội dung

Trong rừng đặc dụng Xuân Liên nơi đại ngàn biên giới Việt - Lào có cây sa mu hơn 1.000 năm tuổi. Muốn đến đây, phải vượt qua những dãy núi điệp trùng, có sự hộ tống của dân bản địa và cán bộ quản lý rừng.

Đây là cây sa mu hơn 1.000 năm tuổi mà người bản địa gọi là “Thần mộc”. Cây sống ở độ cao hơn 1.200m tại vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Lừng lững giữa đại ngàn hùng vĩ giáp biên giới Việt - Lào, “cụ” sa mu đại thọ này tương đương với “tuổi” của Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: AN TRẦN

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, giáp biên giới Việt - Lào) có rừng đặc dụng gần 24.000 ha, được bảo vệ nghiêm ngặt, là một trong những khu bảo tồn có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam.

Rừng Xuân Liên có 1.142 loài thực vật đã được xác định. Hệ sinh vật cũng rất phong phú, đặc biệt có sự trú ngụ của vượn đen má trắng, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của 192 loài chim, 80 loài thú, 44 loài lưỡng cư, 41 loài bò sát, 69 loài cá và gần 1.300 loài côn trùng.

Khu bảo tồn này có 2 cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao danh hiệu cây di sản, đó là cây sa mu hơn 1.000 tuổi và cây pơ mu khoảng 1.000 tuổi.

Để đến tận nơi có “Thần mộc” sa mu này, khách phải vượt qua những dãy núi cao điệp trùng, nghỉ chân tại bản Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), rồi sáng sớm hôm sau leo núi với sự hộ tống của các cán bộ ban quản lý và một số người dân bản địa - Ảnh: LÊ KIÊN

Cận cảnh thân, vỏ của “Thần mộc”. Xung quanh là những cây rừng “cháu, chắt” tuy đã cao 25-30m nhưng vẫn còn rất nhỏ bé - Ảnh: LÊ KIÊN

Trong khu rừng này còn có quần thể pơ mu hàng trăm năm tuổi rất quý hiếm. Trong ảnh là một cặp pơ mu lừng lững giữa rừng già - Ảnh: LÊ KIÊN

Đồng ý cho chúng tôi leo núi, luồn rừng tìm đến “Thần mộc”, giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên Phạm Anh Tám dặn dò: “Các anh chị ở đồng bằng lên, đi rừng chưa quen nên phải chuẩn bị cẩn thận, nhờ người địa phương gùi nước, xôi nếp, để khi nào đói thì dừng chân nghỉ ăn uống chút cho lại sức” - Ảnh: AN TRẦN

Đường dốc quanh co, nhiều đoạn trơn trượt, có những lúc tưởng phải bỏ cuộc quay trở lại, nhưng khi đến đoạn xuống thung lũng gặp khe nước chảy, vốc nước mát lạnh rửa mặt, chúng tôi lại quyết tâm đi tiếp - Ảnh: LÊ KIÊN

Những thảm lá mục dày giữa rừng già rất êm. Càng lên lên cao, khí hậu càng mát mẻ. Giữa mùa hè, khu vực Bắc Trung Bộ nắng nóng 37-38 độ C, nhưng trên lưng chừng núi cao hơn 1.000m, khí hậu chỉ 25-28 độ C - Ảnh: LÊ KIÊN

Các loài tầm gửi - Ảnh: AN TRẦN

Trên đường đi có những lán, trại nhỏ được ban quản lý cho dựng để du khách, các tổ bảo lâm của đồng bào các dân tộc địa phương đi canh rừng có chỗ tạm dừng chân, trú mưa - Ảnh: LÊ KIÊN

Thung lũng bên bìa rừng nhìn từ flycam. Chúng tôi xuất phát lúc 6h30 từ bản Vịn ở bìa rừng, giữa trưa thì đến nơi chiêm ngưỡng “cụ” sa mu hơn ngàn năm tuổi, quay trở lại bản Vịn thì đã xế chiều - Ảnh: AN TRẦN

Một trong những kỷ niệm khiến chúng tôi không bao giờ quên sau chuyến đi này chính là sự nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ của những người Thái bản địa, và bữa tối với các món ăn dân tộc vô cùng hấp dẫn - Ảnh: LÊ KIÊN

Bài liên quan