Lầu Bảo Đại

Liên hệ

Giới thiệu

Năm 1926, Bảo Đại lên ngôi Hoàng đế, và trở thành vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong bối cảnh có nhiều biến động về chính trị, ngoại giao, người Pháp đã chuyển giao hai ngôi biệt thự là Xương Rồng và Bông Sứ cho triều đình nhà Nguyễn và vua Bảo Đại nhằm đạt những lợi thế chính trị.

Trong quãng thời gian từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình đã thường xuyên tới nơi đây nghỉ ngơi, cùng với các hoạt động giải trí khác như câu cá, tắm biển. Vì lý do đó, khu Biệt thự Cầu Đá được gọi chung là Lầu Bảo Đại - Nha Trang.

Lầu Bảo Đại còn có tên gọi khác là biệt thự Cầu Đá. Lầu nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, nhô ra biển. Người ta ví ngọn đồi này như một con rồng xanh ôm lấy biển của đất Nha Trang. Ngọn đồi còn có tên là núi Chụt theo cách gọi của người dân địa phương, hay núi Cảnh Long.

Trên đỉnh đồi, có 5 ngôi biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc xưa của Pháp. Mỗi ngôi được đặt một cái tên gắn với cây trồng xung quanh, như: Xương Rồng, Hoa Sứ, Hoa Giấy, Phượng Vỹ và Cây Bàng.

Trước đây các biệt thự này là nơi nghỉ ngơi của các nhà khoa học làm việc tại Viện Hải dương học Nha Trang. Sau này, hai ngôi biệt thự đẹp nhất là Xương Rồng và Hoa Sứ được giao cho triều đình nhà Nguyễn, dưới triều vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại dùng 2 ngôi biệt thự này để nghỉ ngơi khi đến Nha Trang.

Sau đó, gia đình cố vấn Ngô Đình Nhu-Trần Lệ Xuân dùng hai ngôi biệt thự này dùng để nghỉ dưỡng...

Hiện nay, 5 ngôi biệt thự được bảo quản gần như nguyên vẹn phục vụ khách tham quan, ngắm cảnh và lưu trú. Tất cả được cải tạo thành gần 50 phòng nghỉ. Trong đó, hai phòng ngày xưa vua Bảo Đại dùng làm phòng ngủ được khai thác làm phòng nghỉ đặc biệt là vua và hoàng hậu tại hai ngôi biệt thự Nghinh Phong (biệt thự Xương Rồng cũ) và Vọng Nguyệt (biệt thự Hoa Sứ cũ).

Tầng trệt lầu Nghinh Phong được làm nơi trưng bày các kỷ vật, hình ảnh liên quan đến vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Ở đây có tấm phản làm từ một cây cổ thụ, rộng gần 2 mét, dày khoảng 20 cm. Phản được đặt bên cửa sổ nhìn thẳng ra biển. Người ta nói rằng Hoàng hậu Nam Phương thường ngồi đây hóng gió.

Toàn khu vực đồi Cảnh Long rộng đến 12 ha, cây cối xanh tốt. Kiến trúc Pháp hài hòa trong các khu vườn Việt tạo nên một không gian thơ mộng. Mùa hè, xương rồng như xanh thêm; các loài hoa sứ, hoa giấy và phượng vỹ đơm bông rực rỡ... Gió lồng lộng từ vịnh Nha Trang thổi lên đồi mát rượi.
Rất nhiều người chọn thời điểm mùa hè để tham quan các ngôi biệt thự này để vừa tận hưởng không khí trong lành vừa cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật kiến trúc. Kiến trúc các công trình thanh thoát, cao ráo phù hợp với khí hậu miền nhiệt đới.

Xung quanh các ngôi biệt thự là các cửa sổ, cửa cái rộng mở để đón gió, lấy sáng từ mọi hướng. Dù có tuổi thọ gần một thế kỷ nhưng các ngôi biệt thự này vẫn giữ được vẻ đẹp riêng và trở thành nơi để các kiến trúc sư đến nghiên cứu thiết kế những ngôi nhà thân thiện, hài hòa với môi trường.

(St)

Nhận xét

Gửi bình luận