Kinh nghiệm du lịch núi Trầm – Hà Nội

Hà Nội, Thứ 3 | 13.12.2016

Nội dung

Không cần phải đến Hà Giang để xem cao nguyên đá, ngay tại thủ đô Hà Nội cũng tồn tại một cao nguyên như thế. Với vẻ đẹp hoang sơ, lạ lùng, núi Trầm đang trở thành địa điểm dã ngoại cuối tuần thu hút các bạn trẻ.

1.Thời điểm thích hợp leo núi Trầm

Núi Trầm đi mùa nào cũng đẹp, tuy nhiên bạn nên tránh mùa mưa, đường đi sẽ trơn trượt. Đẹp nhất là từ tháng 10 đến tháng 2, thời gian này không quá nắng hay nhiều mưa. Đặc biệt vào 2/2 âm lịch, có lễ hội chùa Trầm.

Núi Trầm thu hút giới trẻ. Ảnh: Jackie Duong

2.Di chuyển

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 25 km, núi Trầm (thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một cụm danh lam thắng cảnh khá nổi tiếng với địa danh Chùa Trầm Vô Vi, chùa Trầm và chùa Long Tiên.

Đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô): Bạn cần vượt qua con đường quốc lộ số 6 hướng đi Hòa Bình, Sơn La khá bụi bặm, ngay đầu thị trấn Chúc Sơn ( huyện Chương Mỹ) có một con đường nhỏ dẫn vào núi Trầm.

Bạn sẽ nhìn thấy ngay núi Trầm mờ mờ từ đằng xa, tuy nhiên, phải đi khoảng 2 km thì mới đến nơi.

Hoặc bằng xe buýt: Có các tuyến xe số 37, 57, 80 đến bến đỗ Vực Ninh, rẽ vào làng Linh 2km là đến nơi.

3.Vui chơi gì ở núi Trầm

Chùa Trầm

Nơi khách du lich thường ghé thăm đầu tiên là chùa Trầm ẩn mình trong những tán cây cổ thụ. Chùa Trầm được gọi theo tên của ngọn núi mà nó tựa vào. Theo truyền thuyết từ xa xưa, tại đỉnh núi Trầm có một cây trầm hương cổ thụ, tỏa hương khắp vùng.

Động và chùa Long Tiên

Khách du lich sau khi thắp hương lễ Phật trên chùa Trầm sẽ được khám phá vẻ đẹp hiếm có của Chùa Long Tiên ngay bên cạnh. Đây thực sự là một ngôi chùa trong động rất độc đáo. Trong khoảng không gian rộng lớn nhất của động có bàn thờ phật và nhiều bức tượng các vị La Hán ở xung quanh.

Điểm đặc biệt là các bức tượng này đều được tạc bằng đá tinh xảo, trường tồn qua hàng trăm nay qua. Khám phá động Long Tiên, khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp long lanh của các nhũ đá, dòng nước ngầm tươi mát chảy từ trong núi mà người dân địa phương gọi là bầu sữa mẹ.

Chùa Vô Vi

Cách chùa Trầm khoảng 500 m là chùa Trầm Vô Vi (dân trong vùng gọi tắt là chùa Vô Vi). Chùa được xây dựng năm Ất Hợi (1515) do Trần Văn Tăng, một tướng quân xuất gia đi giảng đạo, khởi xướng.

Đỉnh núi Trầm. Ảnh: Youtube

Chinh phục đỉnh núi Trầm

Núi Trầm không quá cao nên việc chinh phục đỉnh núi phù hợp với hầu hết mọi người, tuy nhiên để chinh phục cả 5 ngọn núi ở đây thì cần bạn phải có sức khỏe thật tốt và sự kiên trì trong hành trình.

Leo núi Trấm khá mệt vì đường lên chỉ dựa vào các mỏm đá tự nhiên là chính. Nhưng khi lên tới đỉnh, phóng tầm mắt bao quát cả một vùng nước non hùng vĩ, bạn sẽ cảm thấy thỏa lòng.

Sau khi đã tham quan hết vùng núi Trầm, chắc hẳn các bạn đã thấm mệt. Hãy tìm một bãi đất đẹp để hạ trại và nhóm bếp nướng đồ. Quây quần cùng bạn bè trên đỉnh núi, với khung cảnh xung quanh đầy thơ mộng chắc chắn sẽ là những kỉ niệm khó quên.

4.Chuẩn bị gì khi leo núi Trầm

Núi Trầm chỉ cần đi trong ngày, nên bạn chỉ cần chuẩn bị quần áo sao cho hoạt động thoải mái, một đôi giầy chắc chắn để leo núi, mũ, nón để tránh nắng. Nếu qua đêm bạn cần chuẩn bị nhiều hơn 1 bộ quần áo và áo khoác vì buổi đêm trên núi khá lạnh.

Đồ cắm trại: lều, bạt, bếp nướng, vỉ nướng, bát đũa. Nếu không muốn mang theo bạn có thể thuê của người dân, giá không quá đắt. Lều to 4 người có giá 100.000 VNĐ/đêm, lều 2 người 70.000 VNĐ/đêm, đồ dùng từ 15.000 VNĐ.

Đồ ăn: đồ ăn vặt, đồ để nướng, và nước uống.

Túi để thu rác sau khi nhổ trại.

Balodi (sưu tầm)

Bài liên quan

Nhận xét

Gửi bình luận