Hướng dẫn các cách phát tín hiệu cấp cứu khi tàu thuyền bị nạn - P2

Hà Nội, Thứ 5 | 22.12.2016

Nội dung

Các phương thức phát tín hiệu cầu cứu khác khi tàu thuyền gặp nạn trên biển:

- Sử dụng phương thức thông tin vệ tinh Cospas - Sarsat qua phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp, hay còn gọi là Phao EPIRB. Thiết bị này thường được lắp đặt trên 2 mạn tàu. Thiết bị có 2 cơ chế hoạt động: Tự động và nhân công. Đối với chế độ tự động, phao bị kích hoạt khi ném xuống nước hoặc bị kéo chìm theo tàu tới độ sâu khoảng 4m khi chịu tác động của áp lực nước thiết bị phao sẽ tự động tách ra khỏi tàu phát tín hiệu cấp cứu lên vệ tinh. Ở chế độ nhân công, người sử dụng có thể tự kích hoạt cho thiết bị hoạt động bằng cách gạt nút kích hoạt sang vị trí phát. Thông tin gửi về thiết bị này là mã nhận dạng tàu, vị trí, thời gian phát, người sử dụng có thể mang nó trên người sẽ giúp cho công tác tìm kiếm cứu nạn được chính xác. Tuy nhiên các cơ quan TKCN đều khuyến cáo trong các tình huống cấp cứu nếu có thể nên kích hoạt phao EPIRB cùng với các phương thức báo nạn khác để tăng tính hiệu quả và độ tin cậy của báo động cấp cứu phát đi từ tàu.

- Sử dụng phương thức thông tin sóng mặt đất DSC (Gọi chọn số) trên các tần số 2187.5kHz, 4207.5kHz, 6312kHz, 8414.5kHz, 12577kHz, và kênh 70 VHF. Phương thức này được sử dụng để phát đi những báo động cấp cứu từ tàu tới bờ hoặc tới tàu khác cũng như phát báo nhận điện cấp cứu từ bờ tới tàu. Người sử dụng có thể thao tác ấn nút đơn giản, nhanh gọn, các bức điện DSC có thể được phát đi liên tục lần lượt trên tất cả các dải tần số MF, HF và VHF. Nội dung của bức điện cấp cứu bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để giúp cho các cơ quan TKCN trợ giúp cho tàu bị nạn, đó là: Mã nhận dạng dịch vụ lưu động hàng hải MMSI, vị trí, thời gian bị nạn, tính chất bị nạn, phương thức liên lạc tiếp theo.

- Sử dụng Phương thức thông tin NBDP: Các tần số ở dải MF/HF sử dụng cho thông tin cấp cứu, khẩn cấp và an toàn: 2174.5kHz, 4177.5kHz, 6268kHz, 8376.5kHz, 12520kHz, 16695kHz. NBDP không phải là phương thức dùng để gọi báo động cấp cứu đầu tiên, nhưng nó được sử dụng để báo nhận các báo động cấp cứu phương thức thoại vô tuyến.

- Sử dụng phương thức thoại vô tuyến (RTP): Các tần số 2182kHz, 4125kHz, 6215kHz, 12290kHz, 16420kHz là các tần số được ấn định như những tần số cấp cứu và khẩn cấp dùng ở chế độ khai thác thoại đơn công.

Gọi cấp cứu bằng vô tuyến điện thoại gồm có:

Tín hiệu cấp cứu MAYDAY (3 lần)

THIS IS (hoặc nói DELTA ECHO trong trường hợp khó khăn về ngôn ngữ)

Tên của tàu gặp nạn (3 lần)

Hô hiệu hoặc nhận dạng khác.

Đối với các tàu đánh bắt hải sản việc trang bị đầy đủ các thiết thông tin liên lạc còn hạn chế. Vì vậy, các tàu khi gặp nạn có thể gọi cấp cứu, khẩn cấp theo phương thức thông tin thoại trên tần số 7903.0kHz tới các Đài TTDHVN để nhận được sự trợ giúp.

Trên đây là một số hướng dẫn phát tín hiệu cấp cứu khi tàu thuyền bị nạn nhằm giúp các thuyền viên sử dụng thành thạo các trang thiết bị thông tin liên lạc hay trang bị cho mình những kiến thức để xử lý tình huống bị nạn khi tham gia hành trình trên biển.

>> Đọc thêm Hướng dẫn các cách phát tín hiệu cấp cứu khi tàu thuyền bị nạn - P1

(Sưu tầm)

Bài liên quan

Nhận xét

Gửi bình luận