Cẩm nang du lịch núi Ba Thê

An Giang, Thứ 3 | 06.12.2016

Nội dung

Tuy không phải là ngọn núi cao hùng vĩ, nhưng núi Ba Thê vẫn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch và các phượt thủ. Bởi ngoài phong cảnh thiên nhiên yên bình, hữu tình, tại vùng núi Ba Thê này còn gắn với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, như di chỉ khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt).

1.Vị trí

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, nằm giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

2.Di chuyển

Trong bài sẽ hướng dẫn các bạn xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, các bạn từ tỉnh khác tham khảo các tuyến đường và chuyến xe tại bến xe địa phương. Các bạn từ Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc nên đi máy bay hoặc tàu hỏa đến TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục di chuyển về An Giang.

Đi bằng ô tô:

Từ Sài Gòn, mua vé đi thành phố Long Xuyên ở bến xe miền Tây hay của các hãng xe tư nhân trên đường Lê Hồng Phong (giá dao động từ 150.000 – 300.000 VND/lượt). Sau khi xuống xe, các bạn có thể bắt tiếp tuyến xe về bến xe khách thị trấn Óc Eo, thuê taxi, hoặc xe ôm để đến địa danh núi Ba Thê. Nếu muốn thuê xe máy, có nhiều điểm cho thuê tại thành phố Long Xuyên, giá từ 100.000 VND/ngày.

Đi bằng xe máy: theo kinh nghiệm của phượt thủ, bạn nên đi theo tuyến đường sau

Xe máy không vào cao tốc được, nên chỉ đi được quốc lộ cũ, các lộ trình như sau:

Lộ trình 1 - Không qua cầu Mỹ Thuận: Đi theo QL1 tới cầu Mỹ Thuận, nhưng không đi qua cầu, trước khi tới cầu Mỹ Thuận có ngã ba An Hữu bạn rẽ phải đi về Cao Lãnh - qua phà Cao Lãnh - đến chợ mới An Giang sau đó qua phà An Hòa là đến Long Xuyên, thời gian đi khoảng 5 giờ 30 phút, đường đẹp nhưng hẹp

Lộ trình 2 - Qua cầu Mỹ Thuận: qua cầu Mỹ Thuận rẽ phãi hường về Sa Đéc đến vòng xoay Sa Đéc có 2 lựa chọn: một là đi phà Vàm Cống (có bảng chỉ dẫn rất rõ ràng), hai là đi phà An Hòa như lộ trình 1. Để đi phà An Hòa tại vòng xoay Sa Đéc, bạn tiếp tục đi thẳng, qua đường Nguyễn Sinh Sắc, tới ngã ba Nguyễn Tất Thành rẽ trái hướng vế khu công nghiệp Sa Đéc - phà An Hòa. Cách 1 dễ bị kẹt phà nhưng đường lớn, cách 2 không bị kẹt phà nhưng đường nhỏ bù lại đường rất nên thơ.

Sau khi đã đến được TP. Long Xuyên, các bạn tiếp tục di chuyển về huyện Thoại Sơn theo tỉnh lộ 943, quãng đường khoảng 28km, đi qua Thất Sơn.

Đường lên núi Ba Thê. Ảnh: Panoramio

3.Cảnh đẹp tại dãy núi Ba Thê

Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m.

Muốn lên núi Ba Thê bạn phải mua vé với giá 7.000 đồng cho hai người, một xe (giá vé có thể thay đổi). Có một con đường nhỏ lát bê tông bề ngang chừng 3m, ngoằn ngoèo uốn lượn chạy quanh co lên đỉnh. Xe hon-đa phải gài số 1, leo núi. Hai bên đường là rừng cây thâm u, vách đá và vực sâu thăm thẳm. Đường lên đỉnh chỉ chừng 2km, nhưng phải chạy xe độ 15 phút. Bên đường, phía vực, có lan can bảo hiểm, khá an toàn cho người, xe.

Từ trên đỉnh Ba Thê trải tầm mắt xa xa về hướng tây nam là dãy Thất Sơn trùng điệp, về hướng đông nam là vịnh Thái Lan hiện ra mờ ảo. Vào mùa nước nổi, nhiều cánh đồng cho xả lũ vào, núi Ba Thê hiện lên sừng sững giữa mênh mông nước trắng, một cảnh tượng rất hữu tình.

Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Cách Sơn Tiên Tự khoảng 100m là nhà trưng bày cổ vật liên quan đến vùng Ba Thê và di tích Óc Eo – đô thị của vương quốc Phù Nam xưa. Nằm ở phía Bắc núi Ba Thê, có tảng đá gọi là Thạch Đại Đao nặng khoảng 2,5 tấn cao khoảng 320cm được cho là bửu bối trừ gian diệt ác của trời, gắn với khá nhiều câu chuyện dân gian lý thú.

Cảnh dưới chân núi Ba Thê. Ảnh: Wikiwand

4.Một số lưu ý

Tuy đường lên đỉnh núi Ba Thê đã được trải nhựa, nhưng đường hẹp, để đảm bảo an toàn, bạn nên tránh đi trời mưa, đường dễ trơn trượt, ngay cả dân địa phương khi lên đây vào trời mưa cũng phải dè chừng.

Chạy xe đúng tốc độ, xe đủ 2 kính, cavet, bằng lái, bảo hiểm đầy đủ.

Nếu đói bụng thì bạn để ý quán cơm ven đường nơi mà có nhiều tài xế xe tải đậu là những quán bán đúng giá mà ngon, đừng ăn những quán hay có võng phía trước cơm không ngon mà còn bị "chém" giá cao.

Mua đồ nhớ mặc cả, như xoài giá vườn 7000 VNĐ/kg, mua của lái buôn có thể bị thách 25.000 VNĐ/kg thì bạn trả 13.000 VNĐ/kg.

Phòng khách sạn, nhà nghỉ sạch sẽ, giá khoảng 100.000 - 200.000 VNĐ/ngày/người.

Thảo PT (tổng hợp)

Bài liên quan

Nhận xét

Gửi bình luận