Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền Giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết những ngày đông trước, bảo tàng đón 20.000 - 30.000 lượt khách.
Khoảng 40.000 khách tham quan ngày 10/11 gần bằng những ngày đông khách nhất tại bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. 2019 cũng là năm đón khách kỷ lục của Louvre, với gần 10 triệu lượt khách ghé thăm, theo Afar.
"Ông tôi muốn sống lại quá khứ của mình", Trần Ngọc Lan Hương, 20 tuổi, đi cùng ông nội từ Ba Vì đến bảo tàng hôm Chủ nhật, nói.
Ông nội Hương 86 tuổi, từng là thanh niên xung phong. Cô cho biết trước đó ông rất hào hứng và luôn nhắc bố Hương đưa đi. Rất nhiều đồng đội, bạn bè cùng lứa với ông cũng mong chờ đến tham quan bảo tàng. Một số đã đến vào ngày đầu tiên bảo tàng mở cửa hôm 1/11.
Du khách đứng chật kín bên trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng 10/11. Ảnh: Gia Chính
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết có nhiều nguyên nhân khiến bảo tàng hút lượng khách lớn. Trước hết, đây là điểm đến thay thế cho bảo tàng nằm trên đường Điện Biên Phủ vốn nhỏ, hẹp. Khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự được xây dựng với quy mô lớn, đón tiếp được nhiều du khách hơn, trưng bày nhiều hiện vật hơn, du khách đổ về là "điều dễ hiểu".
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng từ năm 2019, trên diện tích 386.000 m2 trên Đại lộ Thăng Long, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khối nhà chính có 4 tầng nổi, một trệt. Nơi đây lưu giữ hơn 150.000 hiện vật và 4 bảo vật quốc gia cùng nhiều khí tài quân sự.
Theo ông Đạt, lịch sử dựng nước - giữ nước của dân tộc quá hào hùng, thế giới "phải ngả mũ kính phục" và chủ đề quân sự Việt Nam được người dân cả nước quan tâm. Trong số đó, nhiều người là cựu chiến binh, thanh niên xung phong hoặc những người đã trải qua giai đoạn chiến tranh đặc biệt quan tâm. Bảo tàng cũng thu hút những người đam mê tìm hiểu lịch sử.
Bảo tàng rộng, nhiều không gian ngoài trời trưng bày hiện vật trực quan sinh động như máy bay, xe tăng hấp dẫn trẻ nhỏ, nên là điểm đến ưu tiên của các gia đình dịp cuối tuần. Vé vào cửa đang được miễn phí, bảo tàng được truyền thông mạnh cũng là một phần nguyên nhân đông khách.
"Cậu con trai 3 tuổi của tôi nhìn thấy những chiếc máy bay ở ngoài đời thực đã rất thích", anh Nguyễn Ngọc Tuấn, 30 tuổi, sống ở quận Đống Đa cho biết.
Khách đến đông dẫn tới tắc đường cục bộ khu vực quanh Bảo tàng. Ảnh: Gia Chính
CEO AZA Travel đánh giá thời điểm mở cửa cũng giúp nơi này đông khách. Tháng 11, thời tiết mát mẻ nên người dân có xu hướng thích ra ngoài nhiều hơn. Nếu mở vào mùa hè, thời tiết nóng bức, có thể lượng khách không đông như vậy.
Chủ tịch Du lịch Lửa Việt, Nguyễn Văn Mỹ, còn cho rằng nhiều người đến "vì tò mò, thích cái mới" và "hiệu ứng đám đông". Một số đến để "chụp ảnh sống ảo", "khoe trên mạng xã hội".
Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, ông Mỹ nhận định lượng khách đến "đông như trẩy hội" là điều đáng mừng trong việc thúc đẩy người dân tìm hiểu lịch sử.
Nhưng lượng khách đến quá đông cùng một số hành động chưa đúng mực có thể tạo một số ấn tượng "xấu xí" trong mắt khách quốc tế. Để quản lý tốt hơn, ông Mỹ cho rằng Bảo tàng Lịch sử Quân sự cần giới hạn số lượng khách tham quan trong ngày như nhiều nơi khác trên thế giới. Bảo tàng nên yêu cầu khách đăng ký trực tuyến rồi gửi mã QR, để kiểm soát số lượng thuận tiện hơn.
Ông Đạt đánh giá sức hút của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ chưa "hạ nhiệt" trong 2-3 tháng tới. Nơi đây cũng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài.
"Thế giới luôn ấn tượng vì Việt Nam đã đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất, họ sẽ ghé thăm bảo tàng để tìm hiểu điều này", ông Đạt nói.
Các chuyên gia du lịch cũng tin rằng bảo tàng sớm được đưa vào danh sách "must visit" (phải ghé thăm) khi đến Việt Nam của khách quốc tế cũng như xuất hiện trong chương trình tour của các công ty lữ hành.
"Ngay tháng sau, chúng tôi sẽ đưa địa điểm này vào lịch trình tour", CEO AZA Travel cho biết.