Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Tết Té nước, mùa hoa phượng tím, lễ hội hoa anh đào Nhật - Hàn là các hoạt động nổi bật trong tháng 4.
VnExpress lựa chọn các hoạt động, lễ hội hàng tháng trong và
ngoài nước, được nhiều người biết tới, phổ biến với khách Việt, có nhiều trải
nghiệm và thuận tiện di chuyển.
Lễ hội đền Hùng - giỗ Tổ Hùng Vương, Phú Thọ (10/3 Âm lịch
- ngày 7/4)

Người dân về đền Hùng trong lễ giỗ Tổ năm 2024. Ảnh: Trà
My
Lễ hội đền Hùng 2025 được tổ chức tại khu di tích đền Hùng
trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từ 29/3 đến
7/4. Lễ chính diễn ra ngày 7/4 (10/3 Âm lịch).
Các hoạt động và nghi thức truyền thống gồm lễ giỗ Đức Quốc
tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ giỗ Tổ Hùng Vương và
dâng hoa tại phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại
đoàn quân tiên phong, lễ rước kiệu. Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể
thao gồm đánh trống đồng, biểu diễn văn hóa, văn nghệ về đêm, hát xoan, liên
hoan tinh hoa võ thuật, múa rối nước.
Dịp này, nhiều tour khám phá điểm đến, di sản ở Phú Thọ gồm
tour trong ngày Đền Hùng - Đình Hùng Lô - Làng cổ Hùng Lô; tour 2 ngày 1 đêm: Đền
Hùng - đình cổ Hùng Lô - đền Tam Giang - đồi chè Long Cốc - tổ hợp khoáng nóng
Thanh Thủy; tour 3 ngày 2 đêm: Đền Hùng - hát xoan - đồi chè Long Cốc - vườn quốc
gia Xuân Sơn; tour liên tỉnh 5 ngày: Về miền Đất Tổ - Hà Nội - Phú Thọ - Yên
Bái - Lào Cai.
Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, TP HCM
TP HCM là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch trong
tháng 4 nhờ Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam. Nhiều hoạt động trong
ngày 30/4 cùng với thời điểm trước và sau ngày lễ như diễu binh diễu hành dọc
đường Lê Duẩn, quận 1 và các hoạt động văn hóa nghệ thuật các công viên, bảo
tàng.

Trực thăng bay tập luyện ở trung tâm TP HCM chuẩn bị cho
màn trình diễn dịp 50 năm thống nhất đất nước, sáng 27/3. Ảnh: Đức Đồng
TP HCM sẽ bắn pháo hoa ở 7 điểm gồm đầu hầm sông Sài Gòn,
Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến
Dược (huyện Củ Chi), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Khu
di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh), sân bóng đá huyện
Cần Giờ và Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11). Ngoài bắn pháo hoa, TP dự kiến
trình diễn cùng lúc 10.500 drone vào tối 30/4 tại khu vực bến Bạch Đằng, quận
1.
Du khách cũng có thể lựa chọn đến các bảo tàng và khu lưu niệm
mang tính lịch sử như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến
tranh.
Hái mận chín ở Mộc Châu, Sơn La
Mùa mận hậu chín tại Mộc Châu thường bắt đầu từ tháng 4 đến
tháng 6. Những đồi hoa mận trắng dịp sau Tết thời điểm này dần trở thành những
vườn mận trĩu quả. Du khách ngoài chụp ảnh, có thể trải nghiệm việc thu hoạch
và ăn quả ngay tại vườn, cũng như mua mang về.
Một số điểm hái mận nổi bật gồm có thung lũng mận Nà
Ka, Mu Náu, Phiêng Khoang, thị trấn Nông Trường hay các vườn mận
nhỏ gần trung tâm thị trấn. Giá vé vào vườn thường dao động từ 30.000 đến
50.000 đồng một người. Giá mận đầu mùa dao động trong khoảng 50.000-70.000 đồng
một kg tùy thời điểm.
Tết Té nước ở các quốc gia Đông Nam Á
Tên gọi khác nhau như Songkran ở Thái Lan (13-15/4),
Bunpimay ở Lào (14-16/4), Thingyan ở Myanmar (13-16/4) và Chol Chnam Thmay ở
Campuchia (14-16/4), nhưng về hình thức, Tết Té nước ở các quốc gia này có nhiều
điểm chung.
Sau những nghi lễ tôn giáo tại đền chùa và gia đình, mọi người
đổ ra đường, dùng xô, chậu, vòi hay súng té nước vào nhau. Người dân quan niệm
càng được té nước nhiều, càng may mắn. Songkran tại Thái Lan được UNESCO công
nhận và ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Các địa điểm tổ chức té nước ở Thái Lan gồm Bangkok,
Pattaya, Chiang Mai, Chonburi, Khon Kaen, Hat Yai. Tại Lào, những điểm phổ biến
là Vientiane, Luang Phrabang, Vang Vieng. Tại Campuchia, du khách thường tập
trung ở chùa cổ Wat Phnom, trung tâm Phnom Penh.
Lưu ý: Sau động đất tại Myanamar ảnh hưởng đến nhiều quốc
gia lân cận, du khách nên kiểm tra các điều kiện an toàn và cân nhắc trước khi
đi du lịch.
Mùa phượng tím ở Côn Minh, Trung Quốc

Phượng tím dọc đường Jiaochang Middle ở Côn Minh. Ảnh:
People Daily
Mùa hoa phượng tím tại thành phố Côn Minh thường bắt đầu từ
nửa cuối tháng 4 và kéo dài sang đầu tháng 5. Hoa nở nhiều và đẹp nhất dọc đường
Jiaochang Middle dài 400 m, biến nơi này thành "thiên đường màu tím".
Ngoài Jiaochang Middle, du khách còn có thể ghé thăm bờ sông Panlong, đường
Guangfu, Công viên Thúy Hồ, Công viên Bảo Hải.
Hoa phượng tím được trồng ở Côn Minh từ năm 1984 tại Vườn
bách thảo. Viện nghiên cứu của vườn đã lấy hạt giống hoa từ Algeria về trồng
thông qua một chương trình trao đổi hạt giống. Sau hơn 30 năm, những cây hoa
bung nở hàng năm, nhuộm tím các con đường Côn Minh.
Lễ hội hoa anh đào, Nhật Bản và Hàn Quốc
Tháng 4 là thời điểm hoa anh đào nở rộ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo dự báo, ở Hàn Quốc hoa bắt đầu nở rộ tại thủ đô Seoul từ ngày 28/3 và rực
rỡ nhất từ 3 đến 10/4. Ở Nhật Bản, hoa sẽ nở các thành phố du lịch nổi tiếng ở
miền nam như Osaka, Kyoto trong tuần đầu tiên và thứ hai của tháng 4.
Dã ngoại dưới hoa anh đào (hanami), thưởng thức ẩm thực mùa
hoa là những trải nghiệm không thể bỏ qua dịp này. Du khách dự kiến đến Nhật Bản
và Hàn Quốc ngắm hoa nên theo dõi thêm thời tiết để chọn được thời gian và địa
điểm thưởng hoa ưng ý.