Khách Việt thăm bộ tộc châu Phi không bao giờ tắm


Đăng bởi: Trần Trọng Nghĩa

Nội dung

NAMIBIA - Chị Phi Uyên được phụ nữ Himba cho xông hơi thảo dược, bôi "kem" bằng đất đỏ trộn cùng mỡ và mời nhảy múa khi ai nấy đều ngực trần.

Người phụ nữ hơn 40 tuổi gọi đây là một trải nghiệm hiếm có trong đời, khi được trải nghiệm cùng người Himba, một trong những  bộ tộc độc nhất còn sót lại trên thế giới.

Chuyến đi của chị Phi Uyên tới các quốc gia châu Phi, trong đó có Namibia vào tháng 8/2019 và kéo dài 2 tuần. Vì nằm ở nam bán cầu, thời điểm đó Namibia đang là mùa xuân, tiết trời mát mẻ, sáng và tối se lạnh, giống với Australia, nơi chị đang sinh sống và làm việc.

 

Chị Uyên bế một em bé người Himba.

Một trong những lý do mà chị quyết định đến với Namibia là để tìm hiểu về bộ tộc Himba,  nơi phụ nữ không mặc áo ngực, không bao giờ tắm với nước và dùng đất sét để bện tóc. Ngày nay, bộ tộc còn khoảng 50.000 người, sống tập trung tại tây Kaokoland, phía bắc đất nước. Nhóm của chị Uyên thuê xe tự lái, tuy nhiên vẫn đăng ký tour khám phá của người địa phương.

Chị được giới thiệu rằng người Himba sống theo lối du mục và di chuyển theo mùa, nên những ngôi làng rất đơn giản với nhà hình nón, xây dựng bằng bùn đất. Theo quan niệm của họ, cách xây dựng nhà như vậy mang lại may mắn, xua đuổi tà ma và giúp phụ nữ luôn tươi trẻ. Cũng vì thế phụ nữ Himba luôn được coi là đẹp nhất "lục địa đen" và biết cách làm đẹp.

Dù đã được nghe về người dân ở đây, chị Uyên vẫn không khỏi ngạc nhiên trước cách họ làm sạch cơ thể và trang điểm. Người Himba chế ra Otjize, một loại chất màu đỏ, gồm mỡ bò, đất đỏ để bôi lên da và tóc. Loại "kem" này giúp họ bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời và xua đuổi côn trùng. Cũng vì thế, người dân ở đây luôn có làn da nâu đỏ khỏe mạnh đặc trưng. Cả nam và nữ giới của bộ tộc quấn khố, để ngực trần, đeo nhiều loại vòng cổ trang trí. Tóc được tết rất gọn gàng và được đắp thêm lớp đất sét để giữ hình dáng đẹp.

 

Chị Uyên được bôi đất đỏ để hóa trang

Vốn sống ở vùng đất khắc nghiệt, thiếu thốn nước nên tắm là việc "đại kỵ" của họ. Để làm sạch cơ thể, họ dùng nhiều loại thảo mộc phơi khô, giã nhỏ sau đó để trên gạch và đốt, xông khói khắp cơ thể. Để xông hiệu quả hơn, họ dùng một chiếc khăn phủ quanh người. Chị Uyên chia sẻ, trái với tưởng tượng của nhiều người về mùi cơ thể, người Himba có mùi thảo mộc đốt, hơi khét của khói, song không khó ngửi.

Chị Uyên cũng được họ cho trải nghiệm tắm khói và hóa trang thành người Himba. Hai cô gái thoa bột màu, một người khác giúp chị thay trang phục là chiếc váy màu xanh, sau đó họ giúp tết tóc, bôi Otjize từ đầu tới chân. Xong xuôi, họ nắm tay chị ra ngoài, cùng hát và nhảy những điệu mạnh mẽ.

Sau khi vui chơi ở làng trong buổi sáng, chị Uyên trở về khách sạn nghỉ. Otjize bám rất chắc trên da vì có lớp mỡ. Chị dùng cả lọ sữa tắm, nước tẩy trang, dùng miếng bông tắm cọ rát da ba lần vẫn chưa hết hẳn màu đỏ tệp vào người. Có thể khẳng định Otjize có khả năng chống nắng và không bị trôi ngay cả khi đổ mồ hôi.

Văn hóa Himba ngày nay ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mai một bởi thế giới hiện đại. Ở một số làng của người Himba, thay vì đi săn bắn thì họ chuyển sang đón khách du lịch, trẻ em cũng được mặc áo phông. Dù vậy với chị Uyên, đây vẫn là một trong những bộ tộc độc đáo, giữ nguyên nét đẹp truyền thống nhất chị từng được thăm.

Cách xông hơi của người Himba

Ngoài ngôi làng người Himba, nơi chị Uyên ấn tượng nhất trong hành trình là Sossusvlei, khu vực lòng chảo được bao quanh bởi các cồn cát đỏ, nằm ở phía nam sa mạc Namib, trong Vườn quốc gia Namib-Naukluft. Khung cảnh cây cối khô không lá, bao quanh toàn cát khiến chị ngỡ như đang đặt chân tới sao Hỏa.

Hành trình của chị Uyên trải dài hơn 4.000 km, qua núi đá Spitzkoppe (trong sa mạc Namib), rừng cây Kokerboom ở vùng Karas... Với chị, Namibia là một vùng đất đẹp từ chính điều kiện khắc nghiệt nhất, với sa mạc bất tận, đồi núi trập trùng nhưng cằn cỗi, khô hạn. Người dân ở đây rất mến khách và an ninh tương đối an toàn.

Chi phí của chuyến đi là 1.700 USD/người (khoảng 40 triệu đồng), chưa bao gồm vé máy bay.

VnExpress phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mở cuộc khảo sát nhu cầu và xu hướng của du khách Việt sau 2 năm ảnh hưởng của Covid-19. 

 Nguồn sưu tầm

Bài liên quan