Để du lịch Đồng Tháp thu hút khách du lịch

Đồng Tháp
Đăng bởi: Hồ Minh Nam

Nội dung

Trải qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, Du lịch Đất Sen Hồng đã xác định được vị thế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh Du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” tạo được ấn tượng đẹp và thu hút đông đảo khách du lịch đến với Đồng Tháp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái.

de-du-lich-dong-thap-thu-hut-khach-du-lich-1
Khách tham quan tại làng hoa Sa Đéc

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho biết, với việc ban hành Đề án phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tiềm năng, thế mạnh về du lịch được đánh thức, khai thác đưa vào phục vụ phát triển. Các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh về cơ bản đã xây dựng sản phẩm đặc trưng theo đúng định vị như: Khu di tích Xẻo Quýt: phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê”; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng: định hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo là “Làng ẩm thực đồng quê” và là nơi dã ngoại thưởng thức ẩm thực đồng quê; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc: Tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy các giá trị truyền thống làng Hòa An xưa; Vườn quốc gia Tràm Chim: phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười xưa và trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vùng ngập lũ; Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp – Đồng Sen: “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh”, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, các yếu tố văn hóa truyền thống thời khẩn hoang, tâm linh và sen; Làng hoa kiểng Sa Đéc: định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam Bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa.

Để du lịch chuyển mình, vươn lên trong thời kỳ hội nhập và phát triển, tỉnh Đồng Tháp đã ưu tiên xây dựng kết nối giao thông phục vụ phát triển du lịch; ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu nói trên. Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú du lịch tại Đồng Tháp từng bước khởi sắc, có 90 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với trên 2.000 phòng, trong đó có 38 cơ sở lưu trú đã được xếp loại hạng (1.035 phòng); toàn tỉnh có 281 phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy.

Sau khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành, đến nay đã phát triển và đang khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả. Toàn tỉnh có 6 homestay, 9 điểm du lịch cộng đồng tại Khu Đồng Sen Tháp Mười, 5 điểm du lịch cộng đồng vườn trái cây kết hợp ăn uống, 12 điểm tham quan vườn cam, quít và thanh long, 5 điểm tham quan và trải nghiệm làng nghề, Khu du lịch hóa Phương Nam và Khu vui chơi giải trí Happy Land Hùng Thy.

Để Du lịch tỉnh Đồng Tháp phát triển theo kịp các tỉnh có du lịch phát triển mạnh trong khu vực và cả nước, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó, tập trung đào tạo các kỹ năng mềm, kiến thức về quản lý điểm đến và phục vụ, đón tiếp khách, tiếp thị quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm… hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư.


Khách tham quan bằng xuồng tại Khu di tích Xẻo Quít

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển và kết nối tour, tuyến du lịch đưa khách du lịch đến với Đồng Tháp; xây dựng các chương trình du lịch đặc thù khá hấp dẫn giới thiệu cho các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm Đồng Tháp như chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…; kết nối và đưa vào chương trình tour các điểm tham quan du lịch mới như: Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh), Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (huyện Lấp Vò), vườn quýt hồng Lai Vung, Làng du lịch Cồn Phú Mỹ (huyện Thanh Bình), chùa cổ Bửu Lâm (huyện Cao Lãnh), tham quan hoa nhĩ cán tím, hoa hoàng đầu ấn tại Vườn quốc gia Tràm Chim, đã thu hút được sự quan tâm chú ý của giới truyền thông và các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong và ngoài tỉnh.

Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch đến các tỉnh, thành phố, các thị trường du lịch trọng điểm trong cả nước, hoạt động du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao cấp vùng, quốc gia được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng đẹp và thu hút đông đảo khách du lịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên, hiện tại sức hút và thương hiệu Du lịch Đồng Tháp ngày càng được khẳng định, thị trường du lịch Đồng Tháp đang thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư. Do vậy, Đồng Tháp đang tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm chuyển mạnh du lịch của tỉnh phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tập trung đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo Đề án; nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu di tích, điểm tham quan đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đầu tư xây dựng hệ thống quầy hàng lưu niệm, hàng đặc sản Đồng Tháp; đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch…

Với những định hướng và triển khai hiệu quả, thời gian qua lượng khách đến Đồng Tháp tăng đáng kể. Năm 2018 có 3.607.840 lượt khách đến Đồng Tháp, vượt chỉ tiêu Đề án phát triển du lịch là 3,5 triệu lượt khách vào năm 2020; tổng thu từ du lịch là 913 tỷ đồng, đạt mục tiêu của Đề án phát triển du lịch là 900 - 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Nguyễn Toàn

Theo tapchidulich.net.vn

Bài liên quan