Tục uống trà của người Việt - P2


Giới thiệu


Pha trà cũng là một nghệ thuật. Để có được một ấm trà ngon, thật không dễ dàng, bởi vậy mà cách thưởng trà cũng không thể đơn giản.

Có được một ấm trà ngon, thật không dễ dàng, bởi vậy mà cách thưởng trà cũng không thể đơn giản. Người ta thường dùng nước mưa hoặc nước giếng đá ong để pha trà. Thứ nước này thường ít mùi tanh và không lẫn nhiều tạp chất. Cầu kỳ hơn cả, các bậc trà nhân còn sử dụng một thứ nước được hứng từ những giọt sương đêm đọng trên lá sen. Nó được coi là một thứ nước tinh khiết đã ướp hương sen.

Có nước pha trà rồi, người thưởng trà cũng rất kỹ tính khi chọn bộ đồ trà. Theo cách truyền thống, một bộ đồ như thế gồm có 1 ấm, 1 lồng, 1 chuyên, 4 chiếc quân, 1 khay, 1 hoả lò, 2 ấm đun nước bằng đồng tú. Thông thường, một bữa trà thường sử dụng “Nhất tống tam quân” (1 ấm ba chén). Tuy vậy, tối đa người xưa cũng chỉ khuôn lại 4 người dùng trà để hạn chế tạp khách làm mất đi cái tao nhã của bữa trà.

Pha trà cũng là một nghệ thuật. Bước đầu tiên được gọi là châm trà. Người pha trà dùng một chiếc thìa tre xúc trà vào ấm. Tiếp theo là rót nước pha trà. Nước chỉ đun nhỏ lửa, sôi lăn tăn, nhiệt độ lý tưởng khi pha là 70 - 80 độ C. Khi rót nước vào ấm bao giờ cũng rót theo nguyên tắc từ thấp đến cao, rót từ từ rồi mạnh dần nhằm làm cho các cánh chè được ngấm đều. Khi trà đã ngấm, ta trút ra chén chuyên rồi từ đó rót đều ra các chén nhỏ. Làm như vậy, lượng trà vào các chén là như nhau, không có chén nào đậm quá hay nhạt quá. Ngoài ra, người ta cũng có thể rót trà theo cách xếp các chén gần nhau, sau đó rót tuần tự vào các chén theo vòng.

Đáp lại tình cảm của người rót trà, người uống cũng phải biết cách thưởng trà để thấy hết được cái hay cái đẹp của trà. Thường thường người uống trà khi nâng chén lên không uống ngay mà vừa nâng vừa đỡ, lòng bàn tay chụm che kín miệng chén, đồng thời đưa cao chén trà lên sát mũi hít. Sau đó, người uống trà mới nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Không chỉ thưởng thức trà bằng vị giác mà người thưởng trà còn biết cảm nhận bằng mọi giác quan, từ vị giác, thị giác đến khứu giác, thính giác. Có như vậy, dư vị trà sẽ còn mãi cho dù đã uống hết chén trà cuối cùng...

Từ xa xưa, uống trà đã là một thói quen, một thú vui thanh tao, hướng nội để thanh tâm tĩnh trí, hướng ngoại để kết giao tri âm tri kỷ. Cho đến tận bây giờ, trà vẫn giữ một vị trí quan trọng trong nếp sống của người Việt. Nhịp sống mới càng năng động và hiện đại, người ta lại càng khao khát tìm đến vẻ đẹp thuần khiết, bình dị của trà. Bởi vậy, trà sẽ mãi toả hương trong dòng chảy văn hoá của dân tộc.

(Sưu tầm)

Bài liên quan