Tục cúng gà trong ngày hội ở Lạc Thổ
Giới thiệu
Làng Lạc Thổ có tên nôm là làng Chêu, thuộc thị trấn Hồ (Thuận Thành) nằm ở phía bờ nam của lưu vực sông Đuống, có truyền thống văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc, trong đó tiêu biểu là tục cúng gà ngày hội làng.
Gà Hồ là giống gà quý được dân làng chọn lọc giống và nuôi dưỡng từ lâu đời. Gà có trọng lượng rất lớn.
Trước đây, sau khi diễn ra lệ làng, mỗi giáp trong làng (17 giáp) sẽ chọn một gia đình nuôi gà dâng lễ cho làng vào năm sau. Gia đình được lựa chọn vừa có vinh dự, nhưng đồng thời trách nhiệm lớn lao, vì họ phải nuôi gà theo đúng tiêu chuẩn, gà phải mau lớn, nặng cân để giáp được chọn gà làm lễ tế.
Sau khi được phân công, chủ nhà tiến hành chọn gà giống tốt, khoẻ mạnh để nuôi. Tiêu chí chọn rất khắt khe: Phải là gà sống đã trưởng thành, có đặc điểm mã mận, đuôi nơm, cánh trai, đầu công, mỏ sít, thân trường, da đỗ lành, lông gà nhất thiết không được một chiếc nào màu trắng.
Sau khi chọn được gà ưng ý, chủ nhà tiến hành nuôi dưỡng, chăm sóc gà theo chế độ đặc biệt. Mùa hè gà được ở nơi thoáng mát, mùa đông ở nơi ấm áp. Thức ăn cho gà được chủ nhà lựa chọn kỹ gồm gạo nếp nấu hơi nát, cám gạo sàng chọn những hạt nhỏ, sau đó nắm thành những nắm nhỏ, trộn với nước ấm hoặc nước cơm. Nếu gà chưa đạt đủ trọng lượng cần thiết, chủ nhà sẽ cho gà ăn thêm thịt mỡ lợn thái nhỏ.
Sáng ngày 10 tháng 2 (Âm lịch), chủ gia đình nuôi gà tiến hành mổ gà. Trước khi mổ gà, gia chủ phải thắp hương kính báo với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ để gà của giáp được chọn làm vật tế lễ của làng.
Đúng giờ quy định của làng, các giáp mang gà đã chuẩn bị ra đình làm lễ. Gà được đặt ở nhà Tiền tế của đình, người chủ lễ sẽ lựa chọn những con gà có hình thức đẹp, da không bị nứt để đưa vào đình.
Sau đó, họ đem gà ra cân. Cách cân: Cho gà vào quang gánh, một bên quang đựng gà, một bên quang đựng tiền, khi nào cân bằng hai bên thì đó là trọng lượng của gà. Con gà nào có số lượng tiền nhiều nhất chính là gà được chọn để tiến hành tế lễ dâng lên thành Hoàng làng và chủ nhân con gà là người thắng cuộc.
Người thắng cuộc không chỉ đem lại vinh quang cho cả giáp mà còn được số tiền thưởng bằng trọng lượng của con gà. Gia đình nào nuôi gà thắng cuộc liên tiếp trong 3 năm thì được cấy một mẫu ruộng của làng, uy tín của gia đình đó đối với người trong giáp cũng tăng lên.
Tục cúng gà hiện nay đã bỏ đi những công đoạn phức tạp, rườm rà. Những người nuôi gà ở làng Lạc Thổ hàng năm vẫn mang gà ra đình để thi chọn những cặp gà giống đẹp nhất để cho dân làng, khách thập phương chiêm ngưỡng.
Bài liên quan
-
Hát Dô - Dân ca nhạc Việt Nam
Về với xứ Đoài để ta được chìm đắm với những làn điệu dân ca ngọt ngào, những loại hình văn hóa nghệ thuật giân gian đặc sắc. Một trong những loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng ở đây là hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.
-
Phong tục tập quán của nhân dân huyện Tràng Định (P2)
Trước đây việc dựng vợ gả chồng do cha mẹ quyết định, nhưng cũng phần lớn đám cưới được tổ chức theo thuận tình của đôi nam nữ. Lễ chạm ngõ là bước gia đình nhà trai tìm hiểu về gia cảnh của cô gái và xin lấy lá số (ngày tháng năm sinh) của người con gái đem về so tuổi với người con trai xem có hợp tuổi hay không.
-
Củi hứa hôn và phong tục cưới hỏi của người Giẻ – Triêng (P2)
Với số dân khoảng hơn 50.000 người, người Giẻ - Triêng sinh sống chủ yếu tại tỉnh Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh kho tàng văn học dân gian phong phú, tục ngữ, âm nhạc truyền thống khá đặc sắc, người Giẻ - Triêng còn lưu giữ được phong tục cưới hỏi mang nét riêng biệt.
-
Chuh Pơ nú – Nghi lễ tự nguyện của người Jrai, Gia Lai
Đời người Jrai có rất nhiều nghi lễ vòng đời, mỗi lễ có một ý nghĩa tinh thần khác nhau nhưng nếu như những nghi lễ vòng đời là bắt buộc phải có từ khi con người sinh ra và chết đi thì Lễ Chuh Pơ nú là tự nguyện.