Phong tục tập quán của nhân dân huyện Tràng Định (P3)


Giới thiệu


Trang phục của người Nùng

Cũng giống như người Tày, bộ y phục truyền thống của người Nùng được cắt may từ vải chàm đen, nhưng điểm khác biệt với người Tày trong y phục là người Nùng thường cắt may quần áo rộng hơn, ngắn hơn (ống tay áo, thân áo, ống quần ngắn hơn, rộng hơn so với ống tay áo, thân áo, ống quần của người Tày trong vùng).

Phụ nữ Nùng mặc áo 5 thân cài cúc sang nách, thân áo dài gần đến đầu gối, ở mép ống tay áo được can thêm miếng vải mầu xanh khác với mầu chàm của áo, chỗ cài khuy ở vạt áo phía trước cũng được viền một băng vải mầu xanh, cổ áo phụ nữ là kiểu cổ đứng, áo luôn đi kèm với thắt lưng được làm từ một dải vải nhuộm chàm đen. Khi thắt hai đầu dây lựng được buông thõng phía sau lưng. Nhìn chung áo phụ nữ Nùng không thêu hoa văn gì thêm. Nếu nhìn từ xa, nó cũng gần giống với áo phụ nữ Tày trong vùng.

Phụ nữ Nùng không mặc váy mà chỉ mặc quần mầu đen chàm do họ tự cắt may. Đó là kiểu quần chân què đũng rộng, ống rộng, cạp rộng, thắt bằng một sợi dây vải, ống quần thường dài tới trên mắt cá chân. Cũng có người, phần cạp quần được can nối bằng vải trắng loại vải khác với mầu của quần.

Nam giới người Nùng mặc áo chàm đen, cổ đứng, xẻ ngực, khuy cài bằng giây vải, áo thường có 4 túi (2 túi trên và 2 túi dưới gần sát tà áo). Áo dài quá mông. Quần nam giới được cắt may từ vải đen nhuộm chàm. Phần cạp thường làm bằng vải klhác mầu. Dây lựng thường làm bằng sợi vải bện hoặc sợi dù luôn buộc sẵn ở eo.

Ăn mừng nhà mới

Người Tày cũng như các dân tộc khác trong huyện coi trọng việc lấy vợ, làm nhà, báo hiếu cho cha mẹ; là 3 việc lớn trong đời người. Từ khi làm nhà đến khi chuẩn bị hoàn thành thường phải qua nhiều bước như xem thế đất, chọn ngày làm nhà, ngày dựng nóc, đặt xà...

Đặc biệt lễ mừng nhà mới thường được mổ lợn to chuẩn bị nhiều rượu.... Khách được mời đến ăn mừng nhà mới thường có lễ mừng gia chủ như gà, rượu, gạo, câu đối, gương to treo tường...

Lễ ăn mừng nhà mới mà gia chủ tổ chức có ý nghĩa tạ ơn những người có công sức giúp gia đình xây dựng hoàn thành ngôi nhà cũng như mời mọi người đến thăm quan ngôi nhà mới của mình. Ngày nay tục ăn nhà mới tuy ít đi nhưng vẫn còn.

(Sưu tầm)

Bài liên quan