Người Thái Đen ở Lai Châu với tục thờ thần bếp (P1)
Giới thiệu
Người Thái Đen ở Mường Mít quan niệm rằng thần bếp (phi chi phay) đồng nghĩa với thần lửa (phi phay). Thần lửa luôn giữ vị trí thiêng liêng trong ngôi nhà. Thần lửa giúp sưởi ấm các thành viên trong gia đình những ngày đông giá lạnh, giúp con người có cơm dẻo canh ngọt để ăn, có rượu ngon để uống…
Do vậy, đồng bào có nhiều nghi thức cúng thần bếp. Khi ngôi nhà mới vừa hoàn thành, gia đình xem phong thủy sắp xếp đồ đạc và dọn sang nhà mới đồng thời tổ chức nghi lễ cúng thần bếp. Ông cậu của gia chủ trịnh trọng treo lên trên đầu cột bếp một quả bí xanh vỏ phớt trắng.
Già làng Lò Văn Phớ (sinh năm 1930) ở bản Ít, xã Mường Mít cho biết tục treo quả bí xanh trên đỉnh cột bếp xuất phát từ truyền thuyết của người Thái Đen nơi đây kể rằng: “Xưa mắt người sáng chiếu rọi qua ba quả núi, chim muông ở đâu cũng bị người tìm săn bắt bèn lên trời kiện với Then. Then triệu người lên lấy bột gạo xoa vào mắt cho mắt người mờ đi.
Khi Then thả người trở lại mặt đất, người không nhìn thấy gì. Thương tình, bí xanh giúp lấy bột gạo trong mắt người ra, nhưng vì sợ Then trách phạt nên bí xanh không dám lấy hết, chỉ lấy đủ cho mắt người nhìn thấy mọi vật xung quanh. Từ đó, người nhìn được, nhưng mắt không còn sáng như xưa, không tinh bằng mắt chim muông.
Nhưng cũng kể từ đó, vỏ bí xanh có thêm màu phớt trắng mà không còn xanh tuyền như trước. Nhớ ơn bí xanh, người treo bí xanh lên đỉnh cột bếp để hưởng khói bếp, người ăn thứ gì, bí xanh cũng được hưởng thứ đó”. Nhưng cũng có nhà không treo bí xanh mà treo cái đó bắt cá. Người Thái Đen ở đây quan niệm của cải làm ra đưa về nhà sẽ được thần bếp giữ hộ. Khi thần bếp nổi giận phát hỏa cháy nhà thì của cải cũng sẽ tiêu tan”.
Thần bếp được người Thái Đen ở Mường Mít coi trọng không kém gì ma nhà (tổ tiên). Trong lễ xem ngày lên nhà mới, cùng với việc dâng lễ cúng tổ tiên (nếu bố mẹ của gia chủ đã chết), gia chủ còn phải dâng lễ cúng thần bếp.
Một bà lão giỏi việc bếp núc được gia chủ mời về giúp việc nhóm lửa bếp để lấy phước về sau. Nếu lửa bếp nhóm lên được ngay thì đó là điềm lành, gia đình sẽ làm ăn khấm khá, có của ăn của để, có cơm lành canh ngọt, có rượu ngon, thịt béo… Nhưng nếu lửa vừa nhóm lên đã tắt thì thầy mo sẽ phải thỉnh mời thần bếp từ nhà cũ lên nhập lửa vào bếp ở nhà mới.
(Sưu tầm)
Bài liên quan
-
Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú - Văn Chấn (Yên Bái)
Người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có rất nhiều lễ hội. Lễ hội cầu mùa là một trong những lễ hội lớn, nằm trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú.
-
Độc đáo lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn - P2
Lễ hội cầu mùa là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, được gìn giữ, bảo tồn đến ngày hôm nay.
-
Độc đáo lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn - P1
Lễ hội cầu mùa là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, được gìn giữ, bảo tồn đến ngày hôm nay.
-
Nét độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chay
Dân tộc Sán Chay (hay còn gọi là Sán Chí) mới di cư vào Việt Nam khoảng 400 năm, song luôn giữ được những nét văn hóa riêng rất độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.
-
Tung Còn, trò chơi truyền thống dân tộc Thái