Nghệ thuật hát chèo Thái Bình (P2)
Giới thiệu
Với ba vùng chèo: chèo Hà Xá, chèo Sáo Đền, chèo Khuốc, cùng với các nghệ nhân hát hay, diễn giỏi nổi tiếng: cụ Trùm Thịnh, cụ Lý Mầm, cụ Cả Tam, cả Ngũ, bác Năm Ngũ… chèo Thái Bình đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Vậy mà đến nay chỉ còn lại “Chèo làng Khuốc”, chèo Sáo Đền và chèo Hà Xá từ lâu đã không còn hoạt động nữa.
Mặc dù vậy để nghệ thuật chèo phát triển và lưu giữ tới ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực không ngừng của bao thế hệ nghệ nhân chèo truyền đời “giữ lửa” tạo nên nét riêng có của chèo Thái Bình. Âm nhạc chèo nói chung và âm nhạc chèo Thái Bình nói riêng là sự kết tinh từ chất liệu những điệu hát, nói, hát bỏ bộ trong sinh hoạt nghệ thuật dân gian vùng châu thổ sông Hồng: Xoan ghẹo, chèo tàu tương, hát giặm… bằng cách thức bẻ làn nắn điệu, tức là theo nội dung thơ rồi dựa vào những âm điệu sẵn có để tạo thêm những khúc hát mới.
Những khúc hát này có thể chia làm nhiều trổ, mỗi trổ thường tương ứng với một cặp thơ gồm vế trống mái, tạo thành một đoạn nhạc hoàn chỉnh, âm nhạc chèo Thái Bình rất chân thật, hồn hậu và có phần phóng khoáng song vẫn giữ cân bằng đối đãi vế trống mái.
Những nét nghệ thuật riêng, hay có người gọi là phong cách chèo Thái Bình, có lẽ là những sáng tạo về quy cách của phần đệm. Với dàn nhạc bốn cây đàn là nhị, trống đế, trống cơm và mõ, thấy mỗi cây khi đệm đều tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt. Tiếng mõ đánh đều, giữ nhịp trường canh, ở tốc độ nhanh và rất nhanh, tạo sự căng thẳng và tính kịch cho âm nhạc. Những chỗ giai điệu hát ngân hoặc ngừng nghỉ mới được phép điểm dìu lên mặt, đánh trống lúc nghệ nhân mở miệng hát là điều cấm kỵ.
Cùng một làn điệu như nhau nhưng phong cách chèo Thái Bình hát mộc mạc giản dị hơn, phụ âm hư tự và nguyên âm luôn cân bằng âm lượng. Cùng một tiết tấu nhưng chèo Thái Bình rộn rã, xáo động hơn. Lối hát Thái Bình không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm.
Để những nét đặc sắc của chèo Thái Bình được lưu giữ cho muôn đời sau, rất cần có sự quan tâm và đầu tư của các ngành chức năng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể, bởi những tinh hoa và giá trị văn hóa của nghệ thuật chèo lại được lưu giữ ngay trong máu thịt của các nghệ nhân.
(Sưu tầm)