Nghệ thuật hát Ca Trù của Việt Nam
Giới thiệu
Ca trù ban đầu vốn là một loại hình nghệ thuật của dân gian, được cung đình tiếp nhận dùng làm trò diễn xướng, gọi là hát cửa quyền, rồi lại trở về với dân gian gọi là hát cửa đình, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ. Ngày nay, ca trù trở thành một nghệ thuật độc đáo, một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học.
Ca trù là hình thức nghệ thuật rất chuyên nghiệp, là sự phàm tục hóa của những thể thánh ca. Đây còn được coi là một loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị.
Theo “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ, đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có ca nhi là Đào Thị hát rất hay, từng được vua ban thưởng. Sau này, người ta mộ danh Đào Thị nên ca nhi được gọi là đào nương.
Như vậy, ca trù ít nhất cũng có từ đời Lý. Đến đời Lê, loại hình này phát triển hưng thịnh. Một danh ca là Bạch Hoa cùng chồng là Đinh Lễ sáng tạo ra chiếc đàn đáy, chế ra âm luật, làm rạng rỡ cho giáo phường, thu nhận nhiều đệ tử; khi qua đời được giới ca nhi suy tôn là Tổ cô đầu.
Cũng vì mộ danh Đào Thị tài giỏi hát hay nên người đi hát gọi là “ả đào,” chữ “ả” nghĩa là cô, vậy “ả đào” là từ “cô đào.” Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, các đào nương phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy, gọi là tiền đầu.
Sau này người ta dùng tiếng “cô” thay cho tiếng “ả” cho rõ ràng và tiếng “đầu” thay cho tiếng “đào” để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu, nên gọi là “cô đầu.”
Hát “ả đào,” hát “cô đầu” đều là tên gọi cho nghệ thuật ca trù. Ngày xưa, hát ở cửa đền có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ, đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát, quan viên thị lễ ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên kia đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Sau buổi hát, đào kép cứ theo trù thưởng mà lĩnh tiền.
Hát ca trù phải có đào hát với giọng khỏe, trầm và sang. Nhạc đệm cho người hát gồm có chiếc đàn đáy, chiếc trống con (trống khẩu), gọi là trống chầu và chiếc phách, gọi là cỗ phách do người hát điều khiển.
Nói đến nghệ thuật ca trù không thể không nói đến nghệ thuật soạn lời thơ. Những bài thơ do các danh sỹ bậc thày như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Cao Bá Quát… với những vần thơ tuyệt tác còn lưu lại cho thấy nghệ thuật viết lời cho nhạc thật mẫu mực.
Ngay giọng hát cũng vậy, phải rèn luyện công phu từ nhỏ mới giữ được “hơi trong” và buông được “hơi ngoài” trong nghệ thuật ém, nhấn, nhả.
Hát ca trù không giống với các loại hình dân ca khác mà phải hát ngậm miệng nhưng tròn vành rõ chữ, hát như “đổ châu, nhả ngọc.” Người hát ca trù vừa hát vừa gõ phách.
Nghệ thuật hát ca trù mang sắc thái độc đáo, đặc sắc riêng có ở Việt Nam và của cả nhân loại. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như ca trù.
Ngày 1/10/2009, nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
(Sưu tầm)
Bài liên quan
-
Hát Xoan làng cổ sản phẩm du lịch đặc sắc của đất Tổ
Nhắc đến Du lịch Phú Thọ, du khách trong và ngoài nước đều nhớ đến một vùng đất phát tích, nơi khởi nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi có đền Hùng linh thiêng.
-
Làng kèn Tây độc đáo tại Nam Định
Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sửa chữa và làm kèn đồng hay còn gọi là kèn Tây, hầu như nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi thành thạo. Là một làng quê thuần nông nhưng Phạm Pháo lại có đội kèn quy mô hoành tráng nhất cả nước với hơn 200 đội kèn trong đó có cả đội kèn nữ.
-
Cổ Chất làng ươm tơ nổi tiếng đất Thành Nam
Làng Cổ Chất (huyện Trực Ninh, Nam Định) nằm cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 20km là điểm dừng chân thú vị cho du khách bởi nơi đây nổi tiếng với làng nghề ươm tơ, nuôi tằm, dệt lụa.
-
Nghệ thuật dân gian nặn Tò He
Trong số các trò chơi dân gian, có lẽ tò he vẫn là một trong những trò chơi còn được hiện hữu đến nay. Mới đây thôi, tò he còn được chọn là một trong những mặt hàng nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam tham gia trong Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Mỹ.
-
Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động
Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.