Nghệ thuật dân gian nặn Tò He


Giới thiệu


Tò he là  một loại đồ chơi dân gian  được nặn từ bột nếp nhuộm phẩm màu tạo nên những sản phẩm với đa dạng hình khối và dáng điệu vô cùng sinh động. Vượt ngoài giá trị thực tế, tò he đã trở thành đặc phẩm mang tính nhân văn, giàu giá trị biểu cảm và người thợ nặn tò he trở thành nhà tạo hình tài  năng.

 Từ bàn tay khéo léo của người Xuân La ( Phượng Dực- Phú Xuyên-Hà Nội) một ít bột nếp và phẩm màu đã hoá thành những hình  thù ngộ nghĩnh với nhiều hình dáng, kích thước và dáng điệu đáp ứng thị hiếu và trí tò mò của trẻ thơ như những con vật cụ thể như voi, ngựa, chim, gà, lợn... đến những con vật chỉ có trong trí tưởng tượng của con người như rồng, phượng, hạc... rồi đến những hình người cụ thể như em bé, cụ già, cô gái..., những nhân vật cổ tích, thần thoại như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bồ Tát nghìn tay...

Nguyên liệu làm ra tò he rất đơn giản, nó đều là sản vật gần gũi với người nông dân và nền văn hoá lúa nước như: bột gạo, phẩm mầu, que tre. Tuy nhiên các công đoạn chuẩn bị để làm ra sản phẩm thì lại đòi hỏi sự công phu, cẩn thận của người làm nghề.

Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ rồi nhào với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục sau đó cho vào nồi nước đang sôi để một giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội bột và nhuộm màu cho bột.

Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: mầu xanh từ lá cây, màu đỏ của gấc, mầu vàng từ nghệ, mầu đen từ tro bếp, màu tím từ một loại lá của người dân tộc thiểu số... Ðiều đáng nói ở đây là mầu rất bền, không bị loang ra. Màu nào vẫn giữ nguyên màu đó khi ta đem trộn lẫn chúng vào nhau.

Những chú tò he nhiều màu sắc đã in đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt và sẽ mãi là biểu tượng nghệ thuật tài hoa mà vô cùng khéo léo của người nghệ sĩ đồng quê Việt Nam.

(Sưu tầm)

Bài liên quan