Nét văn hóa độc đáo trong Nghi lễ "Sâu khấu" của người Mông - Yên Bái (P1)


Giới thiệu


“Sâu khấu" là Nghi lễ cúng cho cả dòng họ của người Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), mang ý nghĩa cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.

Cũng như cộng đồng người Mông sống ở miền núi phía bắc, người Mông xã Chế Cu Nha có đời sống văn hoá tín ngưỡng khá phong phú, sự đa dạng ở đây được thể hiện trong từng dòng họ, từng gia đình qua cách thờ cúng, kiêng kỵ và quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Người Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Vì thế hàng năm bà con đều tổ chức Nghi lễ “Sâu khấu”.

Nghi lễ "Sâu khấu" được tổ chức vào dịp cuối năm, thường diễn ra vào buổi tối, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.

Theo quan niệm của người Mông, việc tổ chức lễ cúng luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh. Trước khi diễn ra nghi lễ này, gia chủ tổ chức lễ cúng có trách nhiệm thông báo trước với mọi người trong dòng họ để cùng bàn bạc, phân công, thống nhất về thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức nghi lễ.

Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn; gà trống 2 con để làm lễ chính đã được luộc chín, 1 con gà trống còn sống để khi thực hiện nghi lễ; giấy dó được gấp và dán quanh nơi thờ cúng, thể hiện các linh vật trong nghi lễ; chỉ 3 màu gồm: đỏ, vàng và trắng; các ống tre cùng một số lễ vật, biểu tượng khác.

(Sưu tầm)

Bài liên quan