Múa rối nước ở Hải Dương (P1)


Giới thiệu


Chủ thể văn hóa của di sản này hiện nay là nhóm nghệ nhân của 3 phường rối nước, thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà và xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc.

Trước Cách mạng tháng Tám, ở Hải Dương có 3 phường rối nước: Bồ Dương (nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang), An Liệt (nay thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà), Bùi Thượng (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc).

- Phường Rối nước Bồ Dương: các tài liệu và hoạ tiết chạm khắc còn lưu giữ tại đình thôn Bồ Dương cho thấy, nghề Múa rối nước được truyền từ Bắc Ninh về thôn Bồ Dương từ thế kỷ XIV, sau này ở phường có cụ Lý Tiêu sang dạy học trò ở Nguyên Xá (Thái Bình) và trở thành một phường rối nước nổi tiếng của cả nước.

- Phường Rối nước Bùi Thượng: ở đình làng Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) thờ vị tướng thời Lý là Trương Công Tế - tương truyền là vị Đại Nguyên soái, kiêm Đô đốc Thuỷ quân, có công đánh giặc Tống. Khi về già, ông đem nghề múa rối truyền dạy cho dân làng Bùi Thượng. Khi mất, ông được suy tôn làm Thành hoàng.

Ngoài ra, tại đình còn thờ một vị tướng khác là Trần Bình (thời Lý), người dùng các con rối để lừa giặc Tống. Sau làng Bùi Thượng có hai đội rối nước, một đội của họ Phạm Thế, một đội của họ Đinh, mỗi đội có 30 người. Phường Rối nước Bùi Thượng có vai trò quan trọng trong các dịp cúng tế Thành hoàng.

- Phường Rối nước An Liệt: theo lưu truyền tại địa phương, phường rối nước ở đây có từ thời hậu Lê, do một người làng An Liệt đi làm ăn xa, được xem Múa rối nước, thấy hay nên đã học, về làng lập ra phường và hành nghề.

Ba phường rối nước nói trên có các loại con rối chủ yếu sau: chú Tễu, rồng, thuyền rồng, rùa, rắn, cá, lân… Mỗi con rối là một tác phẩm nghệ thuật, có vị trí nhất định trong từng trò diễn, trong đó chú Tễu là hình tượng tiêu biểu cho trò múa rối nước. Tùy vào tiết mục biểu diễn của mỗi phường rối mà có số lượng, loại hình, quy mô và kích thước con rối riêng.

Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, được tạc chau chuốt, với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, thể hiện tính cách cho từng nhân vật. Các con rối thường lộ vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và có tính tượng trưng cao.

Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp “máy” điều khiển (máy sào và máy dây) cho con rối cử động.

(Sưu tầm)

Bài liên quan