Đặc sắc với Tết nhảy của người Dao ở Ba Vì (P2)


Giới thiệu


2. Các bước tiến hành Tết nhảy của người Dao

Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì tổ chức Tết nhảy vào tháng Chạp, trước tết Nguyên đán vài ngày. Tết nhảy được tổ chức tại nhà tổ nơi có bàn thờ tổ tiên của cả dòng họ và đã khai quang bộ tranh Tam thanh.

Theo truyền thống, Tết nhảy thường được làm trong ba năm liền, năm thứ nhất làm một ngày một đêm, năm thứ hai làm hai ngày hai đêm, năm thứ ba làm ba ngày ba đêm. Thời gian tổ chức lâu và tốn kém gây gánh nặng về kinh tế cho gia đình làm Tết nhảy và dễ xảy ra rủi ro vì trong ba năm đó, nếu gia chủ có người mất hoặc sinh con thì coi như phải làm lại Tết nhảy từ đầu. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hoá mới, người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết nhảy một lần trong ba ngày ba đêm nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo quy định.

Bước chuẩn bị

Tết nhảy là lễ cúng lớn của gia đình, dòng họ người Dao ở Ba Vì. Chính vì vậy, để tổ chức một lễ “nhiàng chầm đao”, gia đình thuộc nhà tổ phải chuẩn bị rất kỹ về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để làm lễ vật dâng cúng và đủ để thết đãi bà con trong thôn bản trong suốt thời gian diễn ra Tết nhảy. Tuy nhiên, nếu gia đình tổ chức Tết nhảy chưa lo được hết thì những gia đình khác trong họ sẽ cùng đứng ra lo liệu và bà con trong thôn khi đến dự Tết nhảy cũng đóng góp ủng hộ gia chủ dưới nhiều hình thức như con gà, cân gạo, chai rượu hoặc tiền.

Sau khi nhờ thầy cúng, thầy xem tử vi trọn đời xem được ngày lành tháng tốt phù hợp với tuổi của gia chủ, gia đình tổ chức Tết nhảy sẽ thông báo chính thức cho người dân trong thôn bản biết dự định và ngày giờ khai mạc cuộc lễ của mình. Để tổ chức Tết nhảy, gia chủ phải mời 2 ông thầy cúng đến hướng dẫn và điều khiển cuộc lễ, một thầy làm chủ đám (Sliêu họ) chuyên phụ trách phần tế lễ và cúng bái, một thầy phụ trách phần múa (khoi tàn).

Trước khi vào Tết nhảy, bàn thờ được quét dọn và trang trí bằng những mảnh vải đỏ. Gia chủ phải nhờ người làm các loại lễ cụ quan trọng không thể thiếu trong Tết nhảy như một số lá cờ; một số dao, rìu bằng gỗ tượng trưng cho những công cụ, vũ khí mà tổ tiên họ đã dùng để lao động và chống giặc giã, những đạo cụ này được trang trí hình hoa văn bằng mực xanh đỏ trông sống động như thật. Ngoài ra, thanh niên trong dòng họ phải ôn luyện lại các điệu múa truyền thống cho thật thuần thục để biểu diễn trong Tết nhảy.

(Sưu tầm)

Bài liên quan