Đền Dâu - Đền Quán Cháo

Liên hệ

Giới thiệu

Di tích lịch sử Đền Dâu - Đền Quán Cháo thuộc địa phận phường Nam Sơn và Tây Sơn – Thị xã Tam Điệp cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km, nằm trong không gian của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn với các địa danh như Luỹ Ông Ninh, thung Đong Quân, đèo Tam Điệp, Luỹ Quèn Thờ.

Đây là một phòng tuyến có ý nghĩa lịch sử quan trọng của dân tộc trong chiến thắng 29 vạn quân Thanh năm 1789 và tại di tích còn lưu giữ truyền thuyết còn liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử hào hùng này.


Đền Dâu có tên chữ là Tang Dã Linh Từ (Với nghĩa tạm dịch là Đền thiêng nương Dâu) thờ mẫu Liễu Hạnh, được xây dựng sau năm 1580. Tiếp theo sau trận đại thắng Nguỵ Mạc (1593) Vua Lê Thế Tông cho xây lại thành đền lớn. Nhưng đến đời nhà Nguyễn (năm 1889) đền được xây dựng như ngày nay. Cấu trúc đền theo lối chữ tam, có 3 cung thờ.

Đền Quán Cháo có tên chữ là Chúc sơn Tiên Từ (Đền Tiên núi Cháo). Nhân dân từ xưa thường gọi là đền Quán Cháo. Đền nằm ở bên đương Thiên Lý cổ, nay là Quốc lộ 1A. Xưa kia đền toạ lạc ngay cạnh đường Thiên lý, ở thấp, trong quá trình mở rộng Quốc lộ 1A, đền được xây dựng lại trên đỉnh đồi như ngày nay. Lần xây dựng lại quy mô nhất là năm 1987.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa. Tương truyền Mẫu Liễu hiển linh thành bà chủ quán nước để phục vụ khách qua đường. Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc phá giặc Mãn Thanh vào cuối năm 1788, Bà đã nấu cháo khao quân, sau ngày thắng trận trở về nhà vua cho lập đền và đặt tên như hiện nay.

(St)

Nhận xét

Gửi bình luận